Rùa, ba ba, cá sấu, nhiều loài thằn lằn và rắn đều đẻ trứng trên cạn. Song, có không ít loài thằn lằn và rắn sinh ra ấu thể giống hệt chúng, vừa ra đời tức khắc hoạt động ngay. Có thực là chúng đẻ con không?
Bò sát trở thành động vật sống trên cạn thực thụ, mấu chốt là ở sự sinh sản và phát dục, thoát ra khỏi sự ỷ lại vào môi trường nước như các loài lưỡng cư tổ tiên chúng. Cá thể đực có cơ quan giao phối đưa tinh trùng trực tiếp vào cơ thể, con cái thụ tinh trong cơ thể; trứng đẻ ra có vỏ cứng bền vững chống khô. Vì vậy bò sát đều đẻ trứng trên cạn.
Co phai moi loai bo sat deu de trung
Rắn sinh con. Ảnh gartersnake
Song, có không ít loài thằn lằn và rắn sinh ra ấu thể giống hệt chúng, vừa ra đời đã vận động được.
Có người gọi hiện tượng này là "thai sinh" nhưng thực chất nó không giống với kiểu thai sinh thực thụ ở động vật có vú. Ở những loài bò sát "sinh con", trứng của chúng được lưu giữ trong ống dẫn trứng của cơ thể mẹ (tử cung) rồi phát dục ở đó. Trong quá trình phôi lớn lên, dinh dưỡng đều do trứng cung cấp, không hề có liên hệ trực tiếp với cơ thể mẹ. Nói một cách đúng nhất thì trứng đã nở thành con trong cơ thể bò sát mẹ trước khi ra ngoài, chứ không phải bò sát đẻ con.
Các nghiên cứu cho thấy, nhiều loài bò sát sinh sản theo cách này, phần lớn sống ở những vùng giá lạnh của miền bắc hoặc núi cao (như rắn lao, rắn cạp nong cực bắc và thằn lằn thai sinh). Lại có người phát hiện cùng một loài sinh sống ở miền bắc thì "đẻ con", khi sống ở miền nam thì đẻ trứng, vì vậy họ cho rằng hiện tượng bò sát đẻ con là một sự thích nghi với khí hậu lạnh.
Tuy nhiên cũng có trường hợp khác. Rắn biển suốt đời sống ở biển, chúng đều đẻ con, đây là kết quả của sự thích nghi với môi trường. Đặc điểm của sa mạc khô hạn, nhiệt độ ban ngày cao, không có lợi cho sự nở của trứng, thằn lằn cát sinh ra ở vùng này cũng sinh sản theo cách đẻ con.
Bò sát đẻ con tuy không tiến bộ bằng hình thức thai sinh đích thực của thú có nhau, nhưng dù sao nó cũng tiến bộ hơn đẻ trứng, bởi con nhận được nhiều sự bảo vệ của cơ thể mẹ.